Thiên nhiên chúng ta chứa đựng vô vàn điều thần bí. Những danh lam thắng cảnh ẩn trong đó những điều kì diệu mà chưa ai có thể khám phá hết. Bên cạnh đó, những câu chuyện dân gian lưu truyền lại càng thêm màu sắc cho thiên nhiên. Ở một số nơi ở Việt Nam có loài cá được gọi là cá thần. Loại cá này hết sức bí ẩn và được người dân bảo vệ. Hãy theo chân chúng tôi khám phá suối cá thần Cẩm Lương – một trong các suối cá thần nổi tiếng nhất nhé.
Một vài thông tin về Suối cá thần Cẩm Lương
Suối cá thần Cẩm Lương là nơi sinh sống của hàng nghìn con cá, chứa nhiều giai thoại bí ẩn. Dưới dây là một số thông tin về địa điểm du lịch suối Cá thần Cẩm Lương.
Vị trí của suối cá thần Cẩm Lương
Suối Cá thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc) nằm bên chân núi Trường Sinh. Thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, (cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 80 km về phía tây Bắc). Xã Cẩm Lương nằm ở bờ bắc sông Mã. Đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg.
Cẩm Lương còn có tên gọi khác là suối cá thần làng Ngọc, nằm ở bờ bắc sông Mã, bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy. Con suối dài khoảng 100 m, là địa điểm thu hút khách đổ về ngắm đàn cá có số lượng nghìn con. Song không ai dám bắt. Con suối này gắn liền với truyền thuyết về vị thần Rắn, được người dân thờ cúng tại một ngôi đền bên suối. Trước cửa đền thờ có đàn cá hàng nghìn con ngày đêm về chầu thần. Bởi vậy, nhân dân trong vùng không bao giờ bắt và ăn cá suối Cẩm Lương. Và cũng quen gọi là suối cá thần từ đó.
Nguồn gốc của cá thần Cẩm Lương
Theo các nhà khoa học, đàn cá ở suối là loại cá dốc. Thuộc bộ cá chép và có tên trong sách đỏ Việt Nam. Giống cá có đầu giống cá chép, song thân lại giống cá trắm sông. Cá dốc có màu xanh thẫm, hai bên mép đỏ tươi, mỗi khi bơi phát ra những luồng ánh sáng bạc. Song cũng có những con có màu sắc sặc sỡ như cam, hồng. Những con cá tại đây nặng khoảng 3,4 kg, có con nặng đến 10 kg. Con lớn nhất là cá chúa, nặng chừng 30 kg. Chúng rất háu ăn, dạn dĩ với người. Đến đây, khách có thể cho cá ăn các loại rau, bim bim, ngô… Tuy nhiên, chúng không đớp ngón tay người, và cũng như không cho phép khách chạm vào.
Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng. Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp. Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20 cm đến 40 cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần. Đây là điều hấp dẫn nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm.
Điều làm nên sự bí ẩn ở Suối cá thần Cẩm Lương
Điều khiến con suối này bí ẩn là những con cá chỉ bơi trong đúng đoạn suối 100 m. Người dân trong vùng kể lại, cá không trôi đi khi nước lũ đổ về, những con lớn chui vào hang để trốn.
Những con nhỏ nếu bị nước cuốn đi cũng tự biết đường bơi trở lại. Trịnh Nam Thái, trong chuyến tới thăm nơi này, đã được người dân địa phương kể lại nhiều giai thoại bí ẩn quanh con suối. Họ cho rằng, đã có người qua đời khi ăn cá thần, song đã có nhóm bạn trẻ không gặp may mắn, gặp tai nạn giao thông sau khi đùa nghịch, bắt cá. Điều kỳ lạ tiếp theo là dù đàn cá rất đông nhưng nước suối luôn trong vắt, không có mùi tanh. Người dân vẫn dùng cho sinh hoạt và nấu nướng.
Ngoài suối cá, Cẩm Lương cũng thu hút du khách bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp bên tả ngạn sông Mã và khung cảnh núi rừng nguyên sơ. Hàng năm vào dịp tháng giêng âm lịch, suối cá thu hút du khách thập phương tới lễ hội rước cá thần truyền thống của người Mường để cầu bình yên, no ấm. Trong quần thể suối cá còn có đền Ngọc thờ Tứ phủ Long Vương. Phía trên có động Cây Đăng có nhiều nhũ đá. Suối cá Cẩm Lương cách thành phố Thanh Hoá 88 km. Mất khoảng 2 tiếng di chuyển; cách Hà Nội 133 km, mất khoảng 3 tiếng di chuyển.