Trẻ em luôn luôn là điều tuyệt vời cũng như là điều quan trọng nhất đối với bậc phụ huynh. Và điều quan tâm hơn đó là các căn bệnh mà trẻ em hay mắc phải khiến cho phụ huynh vô cùng lo lắng. Một trong số các bệnh đáng lo ngại là bệnh tay – chân – miệng, chủ yếu lây qua đường tiêu hóa. Đây được xem là bệnh khá nghiêm trọng và thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Điều đó làm cho nhiều trẻ nhỏ khó chịu, chậm lớn và ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Vì vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu để rõ hơn và đề phòng căn bệnh này ngay lập tức nhé. Mục tiêu lớn nhất là giúp trẻ được phát triển mạnh khỏe.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra. Biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng. Bệnh chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Trong đó, virus Coxsackie A16 ít gây ra các biến chứng về thần kinh và có thể tự khỏi trong vài ngày. Ngược lại, virus Enterovirus typ 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Diễn tiến của bệnh tay chân miệng là ban đầu sẽ nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét. Còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi. Khoảng 90% trường hợp trẻ mắc tay chân miệng sẽ tự khỏi. Còn lại một số nhỏ có thể có một số biến chứng như ảnh hưởng tới não bộ, thân não, gây ra suy hô hấp. Ảnh hưởng tới tiêm gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp…
Cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh để tránh các trường hợp biến chứng.
Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng
Thông thường các biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 – thứ 5 của bệnh. Ban đầu các nốt màu đỏ xuất hiện trong miệng của trẻ (trên lưỡi, lợi và phía trong má). Sau đó các nốt này sưng tấy và thường trở thành các vết loét; một số chỗ phồng rộp. Đôi khi các nốt ban đỏ cũng xuất hiện ở bàn tay, bàn chân (có khi ở mông của trẻ). Các vết ban đỏ thường không gây ngứa.
Sau khi nổi vết loét chỗ bóng nước, nếu nhẹ thì trẻ khi thiu thiu ngủ sẽ bị giật mình, ngồi dậy chơi thì bình thường. Độ nặng hơn một chút là trẻ vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với. Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với. Lúc này nên chú ý trong lòng bàn tay có nổi nốt hay không, trẻ có đau miệng, chảy nước miếng loét miệng hay không. Đó là những dấu hiệu cần quan sát để phát hiện sớm biến chứng.
Biện pháp phòng bệnh cho trẻ
Bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng ngừa. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh.
Ngoài việc ăn sạch, uống sạch thì cần chú ý bệnh có thể lây qua những dụng cụ sinh hoạt. Ví dụ như chén, ly, đồ chơi của trẻ nên phải vệ sinh những vật dụng này.
Vệ sinh nhà cửa, nắm đấm cửa, tay vịn cầu thang hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn…
Những người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh cho bàn tay, rửa tay thường xuyên để không mang vi rút lây bệnh cho trẻ. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em).
Rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín. Dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Tốt nhất nên tráng nước sôi các dụng cụ ăn uống. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.